Hàng loạt vấn đề được nêu ra xoay quanh dự án đường sắt cao tốc Hà - TP.HCM: về tính khả thi khi đưa vào sử dụng, về việc phải phá rừng xẻ núi và nhất là số vốn đầu tư có thể không phải là 55, 8 tỉ USD.
Đồng ý với chủ trương xây dựng, mong muốn dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. HCM sớm thành hiện thực, nhưng tại hội thảo về ĐSCT Hà Nội - TP.HCM do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật VN và Bộ GTVT tổ chức tại Hà Nội ngày 11-5, đại diện của 12 hội thành viên thuộc liên hiệp hội đã thẳng thắn bày tỏ nhiều băn khoăn khi triển khai siêu dự án này.
Nghe sướng lắm, nhưng sức ta đến đâu?
TS. Khuất Việt Hùng - Phó Viện trưởng Quy hoạch và Phát triển GTVT (Trường ĐH GTVT) -cho rằng dự án đường sắt cao tốc là cần thiết để phục vụ vận chuyển hành khách trên trục Bắc - Nam và kéo theo sự phát triển đô thị toàn tuyến.
Tuy nhiên, trong báo cáo đầu tư dự án còn thiếu sót về phương án làm chủ công nghệ khi bỏ số tiền đầu tư rất lớn, chưa tính đến những rủi ro về kinh tế. “Thái Lan thực hiện dự án xây dựng dự án đường sắt kết hợp đường bộ cao tốc (Hope-Well), nhưng từ năm 1990 phải dừng lại do khủng hoảng kinh tế” - TS Hùng dẫn chứng.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng VN - cho rằng việc lập báo cáo và thẩm định dự án có quy mô lớn này quá vội. “Chúng ta cần đảm bảo tính độc lập trong khâu thẩm tra dự án công, không nên vì nhiều áp lực khác nhau nên có thể dẫn đến dự báo chênh lệch”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quang A nói: “Nghe giới thiệu dự án, tôi sướng lắm, muốn làm ngay để đi. Nhưng sức ta đến đâu, năng lực thế nào trong khi có nhiều dự án lớn cũng cần phải làm?”. Theo TS Nguyễn Quang A, báo cáo dự án đường sắt cao tốc cho rằng điều kiện để xây dựng là GDP đạt 6,4%/năm liên tục trong 25 năm tới.
Tức là năm 2035, GDP vào khoảng 500-600 tỉ USD, nhưng khi đó chi phí cho đường sắt cao tốc cũng phải tăng 30%, tổng mức đầu tư sẽ khoảng 100 tỉ USD (chiếm khoảng 16-18% GDP) chứ không phải là 55,8 tỷ USD như dự kiến bây giờ. “Như thế phải vay vốn để xây dựng, nhưng tấm gương Hy Lạp sờ sờ ra đấy, cả châu Âu cứu Hy Lạp, còn chúng ta bị thế thì ai cứu?”
Môi trường sẽ bị tác động lớn
Về tác động của môi trường, TS.Nguyễn Đình Hoè - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - cho rằng dự án cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường cụ thể khi 1.383 ha rừng có thể bị phá, hàng trăm kilômét xẻ đất làm ta luy đường sẽ làm đứt mạch nước ngầm.
Bên cạnh đó, tuyến đường cũng tạo thành con đê nhân tạo với hơn 214km đắp nền có thể gây gập úng cho một số nơi như Quảng Nam, Quảng Ngãi đang gặp phải khi đường sắt và quốc lộ 1 thành đê chặn nước thoát khi mưa lũ.
“Với 16.592 hộ dân bị tác động, số lượng tái định cư sẽ gấp đôi dự án thủy điện Sơn La. Tính toán chỗ ở, phương kế sinh nhai cho số lượng này cũng không dễ, vì những nơi đủ điều kiện tái định cư bây giờ cũng không còn nhiều”- ông Hòe lo lắng.
Lắng nghe các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Hữu Bằng – Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (chủ đầu tư dự án) - cho biết dự án chỉ mới ở giai đoạn lập báo cáo đầu tư xin ý kiến Quốc hội có đồng ý chủ trương cho làm hay không. Đây là giai đoạn đầu tiên của dự án nên chỉ mới nêu ra những sự cần thiết đầu tư chứ chưa đề cập sâu đến những nội dung khác.
Theo ông Bằng tất cả vấn đề nêu ra trong báo cáo dự án chủ yếu là các dự báo, quy hoạch vì VN chưa có kinh nghiệm làm đường sắt cao tốc. Vì vậy, tiêu chí khi làm đường sắt cao tốc là phải có yếu tố rút kinh nghiệm từ các nước đi trước. Khi được Quốc hội cho phép đầu tư dự án các vấn đề vốn, trả nợ, môi trường… sẽ được đề cập đến trong giai đoạn báo cáo khả thi
Chia sẻ bài viết:
Thành viên
Dịch vụ
Thông tin hữu ích
Tin liên quan
Bài viết mới
Bài đọc nhiều