Ngày 26/11, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”
Diễn đàn có sự tham dự của các Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cùng lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại sứ quán Australia và đông đảo đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về logistics.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 50 tổ chức quốc tế cùng đại diện các Bộ, ban, ngành và hơn 500 DN hoạt động trong lĩnh vực logistic, sản xuất và xuất nhập khẩu. Trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều cùng ngày sẽ diễn ra 2 hội thảo chuyên đề.
|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics
Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Việc triển khai và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đòi hỏi DN phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Trong khi đó, vấn đề chi phí logistics đã được nêu lên nhiều năm qua nhưng hiện vẫn là điểm nghẽn.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các DN nói chung và các DN dịch vụ logistics nói riêng. Bộ Công Thương đang cùng các Bộ ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tận dụng hiệu quả các FTA mới, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng
Trước bối cảnh đó, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” nhằm đề cập đến vấn đề cấp thiết, những giải pháp có tính thực tiễn cao để phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ vinh dự khi lần thứ 2 Hà Nội được chọn là địa phương tổ chức Diễn đàn logistic. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng bộ Công Thương, giữa Bộ Công Thương với UBND TP Hà Nội.
Thông tin đến Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp của TP ước tăng 4,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng trên 10%; GRDP ước tăng trên 4% và thu ngân sách dự kiến đạt trên 280.000 tỷ đồng. Đây là những mức tăng cao hơn so với bình quân cả nước, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn |
Bí thư Thành ủy đánh giá, qua 8 năm tổ chức, Diễn đàn logistic Việt Nam đã trở thành sự kiện uy tín, tập hợp đông đảo các DN dịch vụ logistic cũng như các đơn vị liên quan. Việc lựa chọn chủ đề “Cắt giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” năm nay cũng rất thiết thực, thời sự. Bên cạnh phiên toàn thể, việc tổ chức 2 hội thảo chuyên đề về “Hạ tầng logistic - xu hướng và cơ hội” và “Chuyển đổi số trong logistic” cũng phù hợp với định hướng phát triển ngành dịch vụ logistic của Việt Nam và Hà Nội.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, ngành logistic Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với mô 40 - 42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistic hiện nay còn cao. Đối với Hà Nội, các DN logistic mới đáp ứng 25% nhu cầu. Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, TP đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistic.
6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo Phó Thủ tướng, kết quả này có sự đóng góp của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế. Trong đó, có đóng góp rất quan trọng của ngành logistics.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
|
Đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Diễn đàn |
Xác định rõ những thời cơ, thách thức trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đã đề ra những yêu cầu rất cụ thể đổi với ngành logistics, trong đó có yêu cầu phải giảm chi phí để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế.
Thêm vào đó, Việt Nam cần phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế.
Từ những tồn tại trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ban ngành tại Diễn đàn, gồm: Tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics;
Khẩn trương, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics;
Ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển logistics;
Các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước;
Bộ Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia; phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương;
Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Thông tin liên hệ:
Công ty TNHH MTV Hưng Hiệp Huy
Tầng 4, Tòa nhà Vitaco, 756 Ngô Quyền, Sơn Trà, Đà Nẵng
Email: hiepnguyen@hunghiephuylog.com
Hotline: 0901.995.665 (Zalo)
Website: hunghiephuylog.com
Chia sẻ bài viết:
Thành viên
Dịch vụ
Thông tin hữu ích
Tin liên quan
Bài viết mới
Bài đọc nhiều